Năm mới sắp đến, rất nhiều gia chủ đốc thúc thợ để thi công kịp trước Tết hoặc bắt đầu sửa sang 1 chút cho tổ ấm của mình. Tuy nhiên, có thể nói, sát Tết không phải là thời điểm vàng cho việc hoàn thiện hoặc sửa nhà. Bởi có những trục trặc hoặc sai lầm có thể phát sinh khiến các gia chủ tốn thêm chi phí như sau.
Mục lục
Không hoặc khó gọi được thợ
Vào dịp cuối năm, rất khó để gọi thợ sửa sang hoặc cải tạo nhà cửa. Bởi các đội thợ đều rất bận để hoàn thành những công trình dang dở trước đó. Có những thợ lại về quê nghỉ ngơi, ăn Tết sớm. Vì thế, nhiều gia chủ không gọi được thợ hoặc nếu gọi thì rất khó và bị ép giá cao hơn gấp đôi, gấp 3 so với bình thường.
Sửa nhà trước Tết cần cân nhắc rất nhiều vấn đề
Khó chọn mua vật liệu hoàn thiện
Giai đoạn hoàn thiện có rất nhiều loại thiết bị, vật liệu như điện, nước, điều hòa đến gạch ốp lát, sơn… Nếu không chuẩn bị trước, gia chủ sẽ rất vất vả bởi sự đa dạng về chủng loại, giá cả… Hơn thế nữa, gần Tết thường xảy ra tình trạng khan hiếm hàng. Lúc này, chủ nhà sẽ phải lựa chọn sang loại khác, mất thời gian hơn và có thể sẽ không được đúng như ý muốn.
>>> Xem thêm: 6 thiết bị dù đắt cũng phải sắm khi xây sửa nhà
Để khắc phục tình trạng này, gia chủ nên chuẩn bị trước tất cả những gì có thể, mua sắm càng sớm càng tốt. Với những thứ chưa thể lấy về ngay và khó cất giữ, cũng nên chọn lựa và ký hợp đồng đặt hàng sớm để khi thi công tới phần đó sẽ chuyển hàng về trực tiếp tại công trình. Tham khảo thêm ý kiến của kiến trúc sư nếu có sự thay đổi nào liên quan đến thiết kế và trong việc lựa chọn mua thiết bị, vật liệu hoàn thiện. Hoặc nhờ người quen biết liên hệ để tiết kiệm thời gian cũng như chi phí.
Thi công ẩu, sai, không đúng như bản vẽ
Giai đoạn hoàn thiện có rất nhiều hạng mục khác nhau và rất nhiều đội thợ cùng làm, khiến gia chủ và giám sát công trình vất vả để kiểm soát. Đôi lúc sẽ xảy ra tình trạng thi công sai, làm ẩu, gian dối…
Để hạn chế những vấn đề này, gia chủ nên lập kế hoạch cụ thể cùng người quản lý giám sát thi công và các đội thợ. Thời điểm kết thúc công trình nên diễn ra trước ngày 15/12 âm lịch để có thời gian nghiệm thu, kiểm định chất lượng thi công. Luôn luôn chủ động nắm bắt, trao đổi với những nhân sự liên quan tới công trình (kiến trúc sư, quản lý thi công, giám sát kỹ thuật công trường và các đội thợ thi công) để biết kế hoạch và tiến độ công việc, từ đó chủ động trong điều phối công việc cũng như hạng mục khác nhau.
>>> Xem thêm: Dọn về nhà mới mang gì vào trước để gặp may, rước tài lộc?
Sửa nhà sát Tết dẫn đến tình trạng vội vàng, gấp gáp, đôi khi không được như ý
Thi công không đúng quy trình
Khi làm ẩu, làm nhanh sẽ dẫn đến việc không làm tuần tự. Vì có những hạng mục cần làm xong cái này mới tới cái kia. Việc không thực hiện đúng quy trình có thể gây ra hỏng hóc, kém thẩm mỹ… Chẳng hạn việc sơn tường xong mới được lắp thiết bị điện, công tắc, ổ cắm. Nếu không sơn sẽ bị dính trên các thiết bị rất khó vệ sinh.
Trước khi làm hạng mục mới, gia chủ phải kiểm tra hạng mục đã hoàn thành có liên quan, tránh việc phải đục phá sửa chữa, mất thời gian. Chẳng hạn trước khi ốp lát phòng vệ sinh phải kiểm tra đường ống cấp thoát không bị hở, rò rỉ, sàn vệ sinh không bị thấm…
Không nên vì nóng vội thời gian mà cho làm cùng lúc những hạng mục ảnh hưởng đến nhau. Ví dụ như hạng mục sàn gỗ phải làm sau cùng, để tránh việc thi công các hạng mục khác dẫm lên, gây hỏng sàn.
Mất, hỏng đồ đạc
Vì “việc ai người đấy làm” nên các đội thợ thường không quan tâm đến công việc của nhau. Điều này sẽ dẫn đến việc thi công cái này nhưng lại hỏng cái kia. Chẳng hạn đội thợ hàn sắt không che chắn cẩn thận có thể là cháy sàn gạch… Vì thế, cần bảo vệ, che chắn tất cả những hạng mục đã xong để tránh nứt vỡ, xây xát, hỏng hóc. Che phủ sàn lát, dán bọc các thiết bị vệ sinh và thiết bị điện, ngắt nguồn điện ở các thiết bị đặc biệt, có công suất lớn như điều hoà, bình nước nóng.
Cuối năm là thời điểm trộm, cắp hoạt động nhiều, dễ trà trộn vào các đội thợ để lấy đồ của gia chủ và ngay cả chính thợ thi công.
Mất an toàn lao động, không có thời gian vận hành thử công trình
Sự nhanh, vội dễ dẫn đến mất an toàn lao động. Nếu xảy ra tai nạn, tiến độ công việc sẽ bị chậm lại đáng kể, ảnh hưởng đến thời gian hoàn thiện công trình cũng như tiền bạc của chủ nhà. Ở mức độ nghiêm trọng, công trình có thể bị chính quyền đình chỉ thi công và chủ nhà sẽ vướng những rắc rối về pháp lý. Việc đảm bảo an toàn lao động không chỉ nằm ở ý thức mà còn phụ thuộc vào cả những giải pháp và công cụ hỗ trợ an toàn lao động. Do đó, cần quản lý, giám sát chặt chẽ vấn đề an toàn lao động ở tất cả các hạng mục và tất cả các đội thợ.
Trong tình huống nào, an toàn lao động cũng cần được đặt lên hàng đầu
Vì hoàn thiện công trình xong trước Tết nên gia chủ thường vào ở luôn mà không vận hành thử trước. Do đó, đôi khi sẽ có những vấn đề phát sinh, nhất là về hệ thống điện – nước. Lúc đó sẽ không xử lý được ngay mà cần chờ ra Tết mới gọi được đội thợ sửa.
Theo ý kiến của các đơn vị thiết kế, nhà thầu thi công, giai đoạn cuối năm, tìm thợ sửa nhà rất khó vì nhu cầu sửa nhà của người dân rất lớn. Gia chủ nếu muốn hoàn thiện căn hộ thô thì nên làm từ đầu tháng 11 để mọi thứ được hoàn chỉnh nhất. Còn nếu muốn sửa sang và hoàn thiện những hạng mục nhỏ, nên tiến hành làm ngay trước tết khoảng 3 – 4 tuần.
Tổng hợp VNE